Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 11/2023, Việt Nam hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Điều này cho thấy, để chuyển đổi số toàn diện, việc quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số sẽ thúc đẩy bức tranh tổng thể trong chuyển đổi số ở các doanh nghiệp tại nước ta.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội và thách thức khi chuyển đổi số.
Liên quan đến những thách thức đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng: Qua cuộc khảo sát gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thực hiện về chuyển đổi số cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành chuyển đổi số.
Cụ thể, 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.
Tuy nhiên, những rào cản chỉ gây khó khăn cho con đường chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không thể ngăn bước chuyển mình tất yếu theo xu thế của các doanh nghiệp này.
Bởi với lợi thế về quy mô nhỏ, nhân viên ít, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thuận lợi hơn các doanh nghiệp lớn với bộ máy cồng kềnh trong việc áp dụng chuyển đổi số để thay đổi hệ thống quản trị trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số sẽ tối ưu hóa về vận hành (tăng hiệu quả, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, cải thiện quản trị…); mô hình kinh doanh; tăng trải nghiệm, gắn kết quan hệ khách hàng.
ThS. Bùi Quang Cường - Chuyên gia chuyển đổi số cho biết: Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có tới hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp muốn chuyển đổi số và 65% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh vào chuyển đổi số đã cho thấy nhu cầu chuyển đổi mạnh mẽ và tinh thần chuyển mình theo xu thế của khối doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn có sự hỗ trợ đắc lực, sự đồng hành sát sao của Chính phủ với hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Qua đó giúp đơn giản hóa và giảm bớt điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời tạo thuận lợi về nguồn vốn, công nghệ… để các doanh nghiệp này mạnh dạn hơn khi bước vào tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.
Đặc biệt, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã trở thành “kim chỉ nam” cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Bởi vậy, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi lớn.
Hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số… nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ThS. Bùi Quang Cường, tham gia quá trình chuyển đổi số, người điều hành sẽ có thể chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp, như: Nhân viên ghi nhận doanh số, biến động nhân sự, tệp khách hàng tìm hiểu sản phẩm… sẽ được thể hiện trên các phần mềm quản trị doanh nghiệp, giúp quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch hơn.
"Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong công ty. Bởi, những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không tốn chi phí, đồng thời cũng giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời", ThS. Bùi Quang Cường cho biết.
Đặc biệt, vị chuyên gia thể hiện sự tin tưởng rằng, chuyển đổi số có thể thay đổi hoàn toàn cục diện doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng lột xác, vươn lên thành “cá lớn” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như thế giới.
Theo Báo Công Thương